Kinh Doanh Singapore

10 Điểm Lưu Ý Trong Luật Kinh Doanh Singapore

Một số lời khuyên về luật kinh doanh Singapore dành cho những công ty nước ngoài mới thành lập.

Rất nhanh sau khi tìm hiểu về quy trình mở công ty tại Singapore, bạn sẽ cảm thấy việc điều hành một công ty ở Singapore là việc hết sức thú vị nhưng cũng đầy rủi ro. Tuy có công ty dịch vụ tư vấn, nhưng chúng ta cũng cần biết thêm nhiều thứ về luật. Tôi nhớ lại lúc mình ngồi gõ gõ trên cỗ máy biết tuốt Google, hoặc tìm kiếm các mối quen biết thân sơ để hỏi về những điều luật kinh doanh Singapore, luật doanh nghiệp Singapore hồi công ty mới thành lập. Cũng mệt và tốn lắm thời gian chứ chẳng chơi. Sẵn đây, tôi sẽ chia sẻ lại 10 điểm luật cơ bản mà dân kinh doanh mới mở công ty ở Singapore thường rỉ tai nhau, hy vọng sẽ giúp bạn tiết kiệm được xíu thời gian.
Bài viết này sẽ không phải là một văn bản luật dài loằng nhoằng, nhiều thuật ngữ, nó chỉ đơn giản là một số lời khuyên dành cho những bạn mới thành lập công ty tại Singapore. Những bài chuyên sâu với số má này nọ, tôi xin phép chia sẻ vào lúc khác. Phần thông tin có tham khảo từ nguồn của tác giả Chris Chua & Asscociates.
10 bí kíp “bỏ tim” cơ bản, sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong quá trình điều hành công ty một công ty mới tại Singapore.
1. Đừng mạo hiểm với tài sản cá nhân của mình
2. Cái gì cũng cho vào văn bản cho chắc!
3. Sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý càng sớm càng tốt
4. Làm rõ các điều khoản và điều kiện của doanh nghiệp
5. Cập nhật liên tục hệ thống luật kinh doanh Singapore
6. Hợp đồng lao động cần rõ ràng và đơn giản thôi.
7. Bảo vệ tài sản trí tuệ
8. Lưu trữ hồ sơ đúng cách
9. Vạch rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bạn
10. Né xa các vụ kiện tụng
Okay, tiếp theo tôi sẽ đi cụ thể vào từng mục. Tuy nhiên, có một số từ chuyên ngành luật có thể tôi sẽ dùng không chính xác lắm, nếu được, mong các bạn góp ý để bài viết này tốt hơn.

1. Đừng mạo hiểm với tài sản cá nhân của mình

Công ty mới thành lập của bạn tại Singapore là cùng hùn hạp với người khác? Nếu đúng là như thế, thì bạn nên hiểu rõ rằng luật doanh nghiệp Singapore có quy định: tất cả các đối tác của một doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm cho các khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp đó. Nói cách khác, một khi công ty xảy ra vấn đề, không chỉ tài sản chung mà cả tài sản cá nhân của bạn cũng sẽ có nguy cơ tổn thất. Tất nhiên, tùy vào từng loại hình kinh doanh, sẽ có những lựa chọn pháp lý phù hợp giúp bạn giảm phần trách nhiệm này. Bạn cần được tư vấn kĩ càng về điểm này để tránh tổn thất tài sản của bản thân nhé.

2. Cái gì cũng cho vào văn bản cho chắc!

Một số kinh nghiệm đau thương của vài đứa bạn đã dạy tôi rằng, thỏa thuận bằng miệng thì khi có vấn đề xảy ra, đúng sai sẽ lẫn lộn cả lên, chả xoay đường nào được. Phải “Nói có sách, mách có chứng” – tất cả các thỏa thuận kinh doanh phải được ghi nhận lại bằng văn bản! Điều này đảm bảo được khi có bất kì vấn đề nảy sinh, công ty của bạn có thể được bồi thường hoặc được đền bù bằng một số hành động pháp lý tương ứng.

3. Sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý càng sớm càng tốt

Luật kinh doanh Singapore khá rộng vì nó áp dụng cho nhiều loại hình doanh nghiệp. Bạn sẽ không nắm được hết, đương nhiên, vì mình có phải luật sư đâu mà. Vì vậy, lời khuyên của tôi là: chúng ta đừng ngại chi tiền cho một luật sư uy tín về những vấn đề pháp lý cho công ty mới thành lập. Họ có kinh nghiệm trong việc thành lập công ty tại Singapore, họ biết chúng ta cần gì, và họ cũng có những mối quan hệ đủ tốt để giúp đỡ một công ty mới. Hơn thế, số tiền bạn trả để được tư vấn ở giai đoạn đầu sẽ thấp hơn đáng kể so với khi đã xảy ra sự cố.

4. Làm rõ các điều khoản và điều kiện của doanh nghiệp

Nguồn vốn xoay vòng là huyết mạch của bất kì doanh nghiệp nào. Hồi mới thành lập công ty tại Singapore, tôi thường được khuyên rằng hãy làm rõ các điều khoản và điều kiện với những đối tác, khách hàng của công ty. Và chính cái này, nó giúp mình tránh được nhiều vụ nguy cơ mất tiền vô cớ từ mấy ông đối tác, khách hàng rởm.

5. Cập nhật liên tục hệ thống luật kinh doanh Singapore

Dù bạn có ý định thuê dịch vụ pháp lý riêng cho công ty hay không, thì bạn vẫn nên đảm bảo bản thân nắm chắc được 3 điểm cốt lõi trong luật kinh doanh Singapore dưới đây:
(1) Cơ bản về luật liên quan đến hợp đồng, thỏa thuận kinh doanh
(2) Luật sử dụng lao động (ví dụ, quy định mức đóng An sinh xã hội – CPF Central Provident Fund)
(3) Quy định cụ thể trong ngành của công ty

6. Hợp đồng lao động cần rõ ràng và đơn giản thôi.

Tôi, bạn, hay người lao động đều không phải là chuyên gia về luật. Vì thế, trong hợp đồng lao động của công ty, bạn nên đặt ra những quy tắc theo cách rõ ràng, dễ hiểu để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho cả đôi bên.

7. Bảo vệ tài sản trí tuệ

Nếu ở Việt Nam khá lơ là vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ thì ở Sing, vấn đề này lại được chính phủ quan tâm nhiều. Đất nước của start-up có ban hành khá nhiều điều luật xoay quanh vấn đề này như đăng ký nhãn hiệu độc quyền, hợp đồng độc quyền,… Nhớ nắm chắc mấy cái này để hòng tránh công ty đối thủ giành mất miếng cơm của mình nhé.

8. Lưu trữ hồ sơ công ty đúng cách

Các doanh nghiệp nhỏ thường bỏ qua hoặc xem nhẹ việc lưu trữ hồ sơ sổ sách của công ty. Bạn nên biết rằng, việc không lưu trữ hồ sơ hoặc lưu không đúng các loại hồ sơ có thể khiến công ty gặp rắc rối với các cơ quan chính phủ như Cơ quan Quản lý doanh nghiệp và Kế toán (ACRA) hay Cơ quan Thuế Singapore (IRAS). Nặng hơn, lỗi này có thể khiến bạn lãnh một số trách nhiệm cá nhân không đáng có.

9. Vạch rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bạn

Đa số trường hợp mở công ty ở Singapore có lẽ là hùn hạp cùng nhau. Vậy, sẽ thế nào nếu cổ đông đó đột ngột muốn rút vốn? Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn cần cùng nhau ngồi xuống và làm rõ ràng những quyền lợi, nghĩa vụ của các đối tác, cổ đông nhằm hạn chế kiện tụng tốn kém, thất thoát cho 2 bên cả về tài chính và tinh thần. Thỏa thuận tùy trường hợp, nhưng cơ bản nhất, bạn phải đảm bảo những mục như:
(1) Mỗi bên sẽ góp bao nhiêu vốn?
(2) Nếu công ty cần thêm vốn thì ai sẽ đứng ra giải quyết?
(3) Trong trường hợp, có một người rút ra thì thế nào?
(4) Trường hợp có một cổ đông qua đời thì thế nào?

10. Né xa các vụ kiện tụng

Vốn dĩ dân mình cũng không có thói quen đụng cái là kiện, đụng cái thuê luật sư ra tòa. Nhưng thôi, sẵn đây tôi cũng nhắc luôn. Vì hễ mà dính vào mấy cái này thì nó tốn kém ghê lắm, chi phí cho các vụ kiện ở Singapore là cực khủng luôn. Trong trường hợp có dính vào rắc rối, bạn nên tham khảo luật sư riêng, tìm giải pháp hòa giải để kết thúc cho nhanh gọn thôi.

Lòng vòng cũng đi đến hồi kết. Với 10 bí kíp nho nhỏ cơ bản trên đây, chắc bạn cũng có bước chuẩn bị khá thuận lợi rồi. Tuy nhiên, luật kinh doanh Singapore, luật doanh nghiệp Singapore, hay luật thuế Singapore là những thứ rất quan trọng, bạn cần được tư vấn rõ ràng từ những đơn vị pháp lý uy tín. Bạn cũng có thể nhờ công ty dịch vụ mở công ty ở Singapore như ExportHelp Asia hỗ trợ phần này, vì tôi thấy bên họ cũng khá chu đáo trong việc tư vấn tất tần tật cho mấy start up Việt, như tôi đã đề cập chi tiết trong bài viết “mở công ty ở Singapore” mà tôi đăng cách đây vài ngày.

Hotline: 0938 199 117